Tháng 9,áchTâythíchởchungcưcũSàiGòty lệ cược Joshua Zukas, cây viết của tờ Insider đến TP HCM và chuyến đi này "khác biệt so với những lần trước đó". Chuyên viết bài về du lịch Việt Nam trong 10 năm qua, Joshua nói TP HCM là một trong những điểm đến anh ghé thăm thường xuyên nhất, đã trải nghiệm gần hết các khách sạn cao cấp trong thành phố. Chuyến đi hồi tháng 9 là dịp Joshua "làm khác đi", khám phá một góc TP HCM trong những tòa chung cư cũ.
Joshua ở ba ngày tại chung cư 47-57 Nguyễn Thái Bình, quận 1. Tòa nhà này được xây từ những năm 1960, gần chợ Bến Thành và bảo tàng mỹ thuật. Phần lớn các căn hộ có dân địa phương cư trú, một số ít được cho thuê ngắn hạn.
Joshua cho biết ở chân tòa nhà có một bãi đỗ xe, nhiều cư dân sống trong chung cư tận dụng mặt bằng tầng trệt để kinh doanh, từ hàng ăn đến tiệm tạp hóa, đồ trang sức. Anh ấn tượng với một cửa hàng bán tranh, tượng, đồ trang trí nội thất "độc lạ".
Tòa nhà chỉ có một thang máy phục vụ khoảng 450 căn hộ và "người dân thường xuyên phải xếp hàng" chờ tới lượt. Thang máy dừng hoạt động từ 23h đêm đến 5h sáng. Joshua chọn đi bộ thay vì "mòn mỏi" đợi thang máy. Căn phòng anh thuê có một căn gác lửng và ban công nhỏ nhìn ra phố.
"Dường như hàng xóm rất thích giao tiếp với khách du lịch. Chủ nhà nói với tôi rằng người dân thường xuyên trò chuyện với người nước ngoài để học tiếng Anh. Mọi người đều xởi lởi vì du khách mang đến thu nhập cho họ", Joshua nói.
Tuy nhiên, cũng có một vài cư dân khép kín và khó tính. Họ tỏ thái độ khó chịu với những vị khách ồn ào, một số thậm chí đến tận phòng "gõ cửa và yêu cầu giữ trật tự".
Trong suốt thời gian lưu trú, Joshua thưởng thức bữa sáng kiểu địa phương tại các tiệm bán đồ ăn ngay trong chung cư. "Món ngon nhất là phở bò bán ở tầng hai, chỉ phục vụ vào chủ nhật", du khách Mỹ nói.
Sau bữa sáng, Joshua uống một ly cà phê sữa đá mua từ quầy hàng rong ngay dưới sảnh chung cư. Anh nói cà phê ở Việt Nam "khá mạnh", giúp tỉnh táo cả ngày. Người địa phương thường xuyên uống cà phê vào buổi sáng.
Joshua ấn tượng với những hành lang trong chung cư. Anh trích dẫn Mel Schenck, tác giả cuốn "Kiến trúc miền Nam Việt Nam hiện đại" viết rằng, vào những năm 1960 khi điều hòa chưa phổ biến, hành lang các tòa nhà được thiết kế để hút gió tự nhiên. Đó là lý do đi dạo buổi tối ở hành lang chung cư cũ, Joshua thấy "gió mát rười rượi". Đứng ở hành lang tòa nhà, anh nhìn thấy mái vòm vàng của nhà thờ Hồi giáo Al Rahim, tòa nhà Bitexco hiện đại.
"Vài người dân địa phương nói đùa rằng tòa Bitexco trông giống tháp Stark của Người sắt Tony Stark(nhân vật trong truyện và phim Mỹ). Một số khác ví tòa nhà như chiếc bánh mì với lớp giấy báo bọc bên ngoài", Joshua nói.
Joshua nhận xét tòa chung cư 47-57 Nguyễn Thái Bình "không thoải mái, tiện nghi và sạch sẽ" bằng khách sạn 3-4 sao trong thành phố. Nhưng nơi đây đem đến không gian kết nối với người dân địa phương, cho du khách góc nhìn khác, gần gũi hơn về cuộc sống thường nhật ở một thành phố đa văn hóa.
Nam du khách Mỹ cũng chia sẻ những trải nghiệm ăn, chơi trong những tòa chung cư cũ ở TP HCM. Joshua nhắc đến chung cư 42 Nguyễn Huệ, quận 1 thường xuyên xuất hiện trong những bài review về du lịch TP HCM. Tại đây có nhiều quán cà phê, bar, quán ăn, cửa hàng đồ lưu niệm.
Joshua gợi ý du khách muốn tìm kiếm địa điểm ít xô bồ hơn chung cư 42 Nguyễn Huệ có thể ghé tòa nhà ở số 14 đường Tôn Thất Đạm, quận 1. Tại đây có nhiều quán cà phê, bar "ẩn mình" trong những căn hộ. Chung cư cũ này còn có những tiệm xăm nghệ thuật, một "thế giới ngầm" đầy màu sắc giữa thành phố nhộn nhịp. "Du khách có thể ghé quán bar Summer Experiment thưởng thức cocktail trong không gian cũ kỹ, nhìn ra thành phố hiện đại hoặc thưởng thức cà phê rang xay ở quán Manki", Joshua nói.
Joshua cho hay đã lên kế hoạch trở lại TP HCM, tiếp tục khám phá những góc bình dị của thành phố. "Tôi đã quá mệt mỏi với những bữa sáng tự chọn tẻ nhạt ở khách sạn và những cuộc trò chuyện theo kịch bản với nhân viên lễ tân. Những món ăn đường phố, cuộc gặp gỡ ngẫu hứng với hàng xóm trong tòa chung cư cho tôi nhiều cảm hứng ghé thăm TP HCM", Joshua bày tỏ.
Bích Phương (TheoInsider)